Chào công ty Luật DFC, hiện tại công ty em đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid 19, công ty không đủ khả năng đóng BHXH cho nhân viên. Em nghe nói nhà nước đang có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Cho em hỏi nếu bây giờ em xin chậm đóng BHXH thì có được không và thủ tục như thế nào ạ? Mong công ty tư vấn giúp em, em xin cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho công ty. Về vấn đề của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 1 điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (LBHXH 2014), thì người sử dụng lao động và người lao động được quyền tạm dừng đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng lưu ý là chỉ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (người sử dụng lao động: 14%, người lao động: 8%) và tạm dừng trong thời hạn 12 tháng. Sau thời hạn 12 tháng, phải đóng bù và không tính lãi.
Về việc xác định như thế nào là gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh thì tại điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định rõ rằng:
“ Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
-Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
-Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:
a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).”
Như vậy, để được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì người sử dụng lao động phải:
+ Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên mà phải giảm từ 50% tổng số lao động trở lên đang tham gia BHXH có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
+ Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa mà phải giảm từ 50% tổng số lao động trở lên đang tham gia BHXH có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Về dịch bệnh Covid 19, tại Nghị quyết 42/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ quy định hỗ trợ người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất chi tiết như sau:“Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.”
Từ những quy định pháp luật trên, công ty bạn muốn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì phải bị giảm từ 50% lao động tham gia BHXH bao gồm cả người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng và thỏa thuận nghỉ không lương. Để được hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH, công ty bạn cần làm các thủ tục theo quy định tại Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và hướng dẫn cụ thể tại Công văn 9739/SLĐTBXH-LĐ như sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ đề nghị được hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH. Bạn cần xác định công ty bạn thuộc cơ quan nào quản lý:
- Doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý: gửi hồ sơ cho Bộ LĐ – TBXH.
- Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý; nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư: gửi hồ sơ cho Sở LĐ - TBXH.
- Doanh nghiệp còn lại: gửi hồ sơ cho Phòng LĐ – TBXH.
Hồ sơ bao gồm:
- Công văn đề nghị của doanh nghiệp (1 bản chính);
- Danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị (1 bản chính);
- Danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc (1 bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (1 bản sao);
- Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh (1 bản sao);
- Bảng chấm công, danh sách trả lương tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh (1 bản sao);
- Bảng chấm công, danh sách trả lương tại thời điểm gởi công văn (1 bản sao);
- Quyết định thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, quyết định thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương, quyết định ngừng việc của người lao động nghỉ việc (bản sao);
- Thông báo kết quả đóng BHXH của cơ quan BHXH cấp của tháng gần nhất (1 bản sao).
Thời hạn: Sau 15 ngày làm việc, nếu đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp văn bản đồng ý xác nhận.
Lưu ý: Có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia www.dichvucong.gov.vn hoặc qua hộp thư điện tử của Sở LĐ – TBXH; Phòng LĐ – TBXH. Sau đó, gửi hồ sơ bản chính để đối chiếu qua chuyển phát thư tín trước khi Cơ quan có thẩm quyền phát hành văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH mà công ty đang tham gia. Hồ sơ bao gồm: Công văn đề nghị; văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc đã được cấp.
Thời hạn: sau 10 ngày làm việc, nếu đủ điều kiện, cơ quan BHXH sẽ giải quyết cho doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.